Dạo gần đây mình có thời gian rảnh nhiều, gặp nhiều đứa em và nghe tâm sự, đa số là có những căng thẳng, khó khăn trong công việc, học tập và quản lý thời gian riêng. Sẵn cũng đang rảnh nên viết ra một số chia sẻ về công việc và cách bản thân mình cảm thấy thoải mái, không căng thẳng và quan trọng là thích thú những cái đang làm.

1. Xác định trí lực và thể lực bản thân

Cái này khá quan trọng, mình biết khá nhiều bạn rất tham công việc và học rất nhiều thứ cùng một lúc, có bạn đang học năm hai thôi nhưng đi học thêm tiếng Anh, tiếng Nhật, testing… học nhiều là tốt nhưng hiệu quả và đạt được thành quả gì là một chuyện khác nữa.
Có những người họ có trí lực tốt, có thể tiếp thu được nhiều môn cùng một lúc, có người thì yếu hơn, nếu tiếp thu cái mới nhiều quá sẽ bị quá tải và không tập trung, không vào thêm được.

Thể lực cũng tương tự, có người họ có thể lực tốt, học tập hay làm việc 9-10 tiếng mỗi ngày thấy bình thường, thậm chí có người làm nhiều hơn. Nhưng có người làm xong 8 tiếng hay học hai buổi một ngày là đuối rồi, thở thôi cũng mệt chứ đừng nói là tỉnh táo để tiếp thu thêm kiến thức hay làm thêm hai ba tiếng vào buổi tối.

Nên muốn làm thêm, học thêm phải xác định rõ trí lực và thể lực mình đáp ứng bao nhiêu, đừng cố quá mà hỏng hết.

2. Biết ơn, hãy biết ơn

Những người thành công là những người biết ơn, biết ơn người giúp mình, biết ơn công ty cho mình một công việc và biết ơn công việc cho mình nguồn thu nhập.

Khi có được sự biết ơn, con người ta sẽ có được sự trân trọng công việc hiện tại.
Có nhiều người hay than vãn công việc, tham vãn sếp, than vãn đồng nghiệp mà quên đi vị trí hiện tại rất nhiều người mong muốn, quên đi việc có được một công việc khó đến chừng nào.

(Trích đoạn từ bộ phim Pursuit of Happiness)

3. Công việc không áp lực, nó không phải là công việc

Mình may mắn đọc được đâu đó câu này, nó là một câu tiếng Anh, chính xác là gì thì không nhớ nhưng đại ý là như vậy. Mình thích câu này, vì nó làm mình nhận ra rằng công việc nào cũng có những áp lực riêng, nếu mọi thứ diễn ra bình thường, không áp lực, không lo lắng thì đó không hẳn là một công việc đúng nghĩa.

Nhiều người vẫn chưa hiểu điều này, khi có áp lực họ sẽ cảm thấy căng thẳng, có gì đó không đúng. Nhưng nếu hiểu được quy luật này, chúng ta sẽ cảm thấy áp lực nó là một điều hiển nhiên trong công việc, và nó là một điều hết sức bình thường mà chúng ta cần giải quyết, giống như giải quyết những task khác cần phải làm. Khi thấy được stress là một điều bình thường, chúng ta không còn cảm thấy quả căng thẳng, xui xẻo hay so sánh với những người khác, project khác hoặc công ty khác.

4. Ghi ra giấy bớt

Mình thích ghi các task ra giấy, cái nào xong thì gạch đi.

Cách truyền thống này giúp mình không phải nhớ quá nhiều trong đầu và cảm thấy thoải mái hơn.
Cái này khá hiệu quả nếu bạn có nhiều thứ cần làm và chuẩn bị, nếu không ghi ra thì đầu cần phải nhớ, mà nhớ thì sẽ sinh ra tâm lý sợ mình quên, cảm giác lo lắng sẽ dẫn đến căng thẳng rất nhiều. Nên tốt nhất viết hết ra thành một cái checklist và đừng bận tâm nó nhiều nữa.

Hồi xưa có đọc một câu này khá hay từ một khách hàng ở dự án cũ: “What is done is done!” – đại ý ảnh nói cái gì qua thì coi như xong.
Sau này mình tìm hiểu, ý này xuất phát từ một câu của Pháp từ thế kỷ 14: “But when a thing is already done, it cannot be undone”.[1]

5. Nói “không” với những điều không cần thiết

Cái này có nhiều sách cũng đã đề cập, mình thấy nó đúng.
Phần lớn khoảng thời gian bận rộn, căng thẳng là do mình làm nhiều việc cùng lúc và không từ chối những việc kém quan trọng.

Chúng ta thưỡng nghĩ mình có khả năng làm nhiều thứ cùng lúc, nhưng thật ra chúng ta đang “switch” các công việc một cách quá nhanh mà tưởng là mình “làm song song”. Việc làm song song không giúp bạn tiết kiệm thời gian mà còn làm tốn thời gian vì khi switch giữa các task, chúng ta cũng phải dành rất nhiều thời gian để nhớ lại xem mình đã làm gì trước đó, hay bị phân tâm một cách không đáng có. [2] [3] [4]

Nó giống như việc bạn rảnh hai buổi tối cuối tuần, nếu đồng ý hẹn hò nhiều người thì phải giảm thời gian những buổi hẹn lại, tâm trí cũng không toàn tâm và lúc nào cũng canh thời gian – và nếu bạn dành thời gian cho người này thì sẽ không có thời gian cho người kia – đó là những sự lựa chọn.

6. Ngủ nhiều hơn

Những lúc mệt mỏi, nhiều áp lực mình thường đi ngủ, tất nhiên đang làm thì không ngủ được nhưng về thì ngủ sớm.
Ngủ sớm, ngủ nhiều hơn một chút so với bình thường giúp mình giảm căng thẳng hơn rất nhiều, nó tốt hơn việc bạn cứ nghĩ về chuyện căng thẳng trong ngày hôm đó, ngủ một giấc tới sáng giúp người tỉnh táo, áp lực cũng giảm đi nhiều, vì dù sao mọi thứ cũng là chuyện của ngày hôm qua.

7. Có những thói quen khi gặp căn thẳng

Thường nếu căng thẳng bạn sẽ làm gì? nếu chưa biết phải làm gì thì nên nghĩ xem, vì chắc chắn sẽ đến lúc bạn sẽ rơi vào cảm giác như vậy, lúc đó đừng có bắt bản thân thêm căng thẳng bằng những câu hỏi: phải làm gì để hết căng thẳng đây..!
Mình thì có thói quen, khi nào cảm thấy mệt hay căng thẳng là đứng lên, đi mua ly nước gì đó thanh tao uống, vd như trà đào, trà vải, những thứ không chứa caffeine (dùng mình thích uống cafe).
Bước ra ngoài – vào quán mua nước – nhìn ngắm mọi người – được mấy bạn phục vụ chào hỏi, cười tươi tự nhiên thấy vui. Nhiều khi ra khỏi toà nhà, trời mát mẻ, không khí vui vui, muốn nghỉ hết để đi dạo chơi thành phố… (đùa đó).

Nhưng nói chung thoải mái lắm, ít nhất với mình là như vậy.

[1]: https://en.wikipedia.org/wiki/What%27s_done_is_done
[2]: https://www.monster.com/career-advice/article/why-you-should-not-multitask
[3]: http://www.health.com/health/gallery/0,,20707868,00.html#your-memory-may-suffer-0
[4]: https://zenhabits.net/how-not-to-multitask-work-simpler-and/

3 Comments

Leave a Comment

Your email address will not be published.