Trong công việc bận bịu quá đôi khi không phải là một điều tốt cho sự nghiệp, bạn cần có không gian cho việc học hỏi những cái mới cũng như nắm bắt thêm các cơ hội.

Có một cái mình thấy ở nhiều bạn đó là thường tỏ ra mình bận bịu trong mắt đồng nghiệp và cấp trên (thậm chí với bạn bè bình thường). Đó có thể là vì muốn chứng tỏ mình có nhiều việc, một phần là do văn hoá riêng của một tổ chức khiến con người ta lúc nào cũng phải tỏ ra là mình không có nhiều thời gian.
Nhưng cũng có thể bạn bận thiệt vì nhiều công việc cần thực hiện nhưng hãy cố gắng giải quyết nó một cách tinh tế, đừng thể hiện ra quá nhiều ví dụ như gởi một email không quá quan trọng vào lúc mọi người đang ngủ. Bạn có thể hoàn thành nó vào ban đêm nếu bận, nhưng hãy gởi nó vào buổi sáng sớm hôm sau thay vì lúc 1 hoặc 2h sáng.

Đây là một số lý do tại sao chúng ta không nên tỏ ra quá bận bịu, hay có bận thật thì cũng làm sao cho nó tinh tế:

  1. Đứng ở vai trò cấp trên, không ai lại để cấp dưới quá rảnh không có việc gì để làm nhưng họ cũng sẽ lo lắng rất nhiều nếu bạn lúc nào cũng bận bịu và trong trạng thái quá tải, họ sẽ đắn đo về khả năng nhận thêm công việc của bạn, họ sẽ không cho bạn thêm những cơ hội mới, họ cũng rất khó khăn để đưa bạn lên một vị trí cao hơn với nhiều trách nhiệm hơn trong khi bạn đang quá sức. Nên nếu bạn là một người cầu tiến, muốn có thêm cơ hội thì phải cho mọi người cảm giác là bạn vẫn có thể làm tiếp hơn nữa và chưa phải quá “overload” hiện tại.
  2. Hãy cho đồng nghiệp và cấp trên thấy được bạn không chỉ có công việc, bạn còn có một khoảng nhỏ thời gian cho các hoạt động có liên quan. Ví dụ nếu bạn là lập trình viên ngoài bù đầu vào đống task ở công ty, bạn còn tham gia vào một số hội thảo, workshop lập trình để học hỏi và trau dồi thêm. Công ty đôi lúc không có đủ thời gian và chi phí cho những khoá đào tạo, nên họ cũng rất vui nếu bạn tự trau dồi cho mình và phục vụ trong công việc.
  3. Hãy cho thấy bạn là một người có giá trị tăng dần chứ không phải là một giá trị hao mòn. Thử nghỉ xem một người làm việc liên tục và bận bịu ở công ty, sau đó về nhà lại bận bịu chuyện gia đình thì thời gian đâu để trau dồi hay học hỏi thêm một cái gì đó mới, dần dần mọi người sẽ nhận ra những người này về lâu dài chỉ chậm chạp và lỗi thời so với những đồng nghiệp trẻ, đây là một chất xám hao mòn dần hoặc nếu có tiến bộ cũng rất chậm.
    Một người có thời gian trau dồi và cập nhật thêm kiến thức từng ngày sẽ là người có giá trị tăng dần, vì họ không chỉ hoàn thành công việc mà còn có một chút không gian để tiếp thu và cập nhật mình.
  4. Nó cho thấy bạn yếu kém trong việc thu xếp thời gian và công việc. Mình biết có những người bạn công việc không quá bận, tuy nhiên họ không thể sắp xếp nó một cách hợp lý nên lúc nào cũng trong trạng thái lộn xộn và rối ren, việc không tổ chức tốt công việc sẽ làm bạn cảm giác bận bịu cả ngày mà thật chất khối lượng công việc không phải là nhiều.

Nếu bạn đang ở một nơi mà bạn cảm thấy công việc bị quá tải, hầu như không có đủ thời gian và không gian để trau dồi bản thân, cũng như văn hoá tổ chức khiến bạn luôn cảm thấy quá tải không thể phát triển thêm thì đó có thể là lúc bạn nên thử một môi trường khác tốt hơn.

Ngoài ra bạn thử áp dụng một số chia sẻ này khi rơi vào trạng thái có Quá nhiều mục tiêu, quá ít thời gian để có thể Vượt qua căng thẳng công việc

Chúc bạn có một tuần mới hiệu quả và không quá bận bịu 😀

Leave a Comment

Your email address will not be published.